Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Phố nghèo


Phố nghèo xưa, mái ngói nghèo xưa
ngoài ga cũ tiếng còi xa buồn
Phố mờ sương, mái ngói mờ sương
thiếu phụ buồn thương đi trong sương như nhân ảnh mờ

Phố buồn nâu, mái ngói buồn nâu
cà phê đắng rơi từng giọt nâu buồn
Phố của tôi, thơ ấu đời tôi chiếc lá bàng rơi
trong đêm mưa những ảo ảnh xưa

Ở nơi ấy tôi còn nhớ mối tình xưa
người thiếu nữ đã gặp tôi ngượng ngùng
khăn quàng cũ cuối mùa thu mẹ đưa em qua phủ Tây Hồ
Ở nơi ấy tôi còn nhớ mẹ của tôi
bao đêm trắng nhìn về phía chân trời
Mẹ cầu kinh Ðức Phật Quan Âm phù hộ cho con phiêu bạt trở về

Phố nghèo xưa, mái ngói nghèo xưa
ngoài ga cũ tiếng còi xa buồn
Phố mờ sương, mái ngói mờ sương
thiếu phụ buồn thương đi trong sương như nhân ảnh mờ

Ở nơi ấy tôi còn nhớ bạn bè xưa
dòng máu sĩ bao người đi không về
Tháp Rùa ơi có nhớ bạn tôi
hồn tha phương vẫn quanh quẩn phố phường

Ở nơi ấy Hà Nội nhớ thương mờ xa
là câu hát là bài ca nghẹn ngào
Nói gì đâu có nói được đâu mà sao khoe tóc ngả hai màu

Phố nghèo ơi năm tháng đời tôi, ngày ấy ...
Có một Hà Nội rất riêng, một Hà Nội huyền ảo lung linh với bao nỗi nhớ da diết mà tôi cảm nhận được trong âm nhạc của Trần Tiến - đó là Hà Nội trong Phố nghèo và Mùa thu trắng. Hà Nội trong âm nhạc của Trần Tiến là một Hà Nội bình dị, sâu lắng, một Hà Nội rất đỗi thân quen với những “phố nghèo xưa, mái ngói nghèo xưa”... nhà ga cũ với “tiếng còi xa buồn”, với những con đường vắng của mùa thu khi “gió heo may về bên lá khô”.
 
Nghe nhạc của ông, tôi lại nhớ đến âm thanh vang vọng của tiếng còi đêm tàu hỏa chạy tuyến Hà Nội - Gia Lâm, mỗi khi qua cầu vượt trên phố Phùng Hưng tàu lại kéo lên một hồi còi dài. Tiếng còi ấy lan mãi trong không gian của đêm đông giá lạnh, lan đến tận phố chợ Hàng Da, nằm trong chăn ấm trên gác xép tôi vẫn còn nghe thấy. Tiếng còi ấy sao buồn thế, sao lẻ loi thế nhưng sao da diết thế! Tiếng còi ấy như còn vang vọng trong tôi cho đến tận bây giờ... Rồi hình ảnh “chiếc lá bàng rơi trong đêm mưa” lại gợi lên trong tôi ký ức như “những ảo ảnh xưa” của Hà Nội một thời đơn sơ yên bình.Những ai từng sống ở Hà Nội hẳn sẽ nhớ mãi hình ảnh thơ mộng của Hồ Gươm trong tiết cuối thu vào đông với màn sương trắng bảng lảng, thấp thoáng trong sương là tháp Rùa cổ kính, là những cành bàng khẳng khiu còn sót lại vài chiếc lá đỏ ối hay vài búp chồi chớm nhú trên cây lộc vừng. Những lúc ấy ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng ở quán Nhân trên phố Hàng Hành, sự ấm áp dần lan tỏa và át đi cái giá lạnh trong lòng, ta sẽ cảm nhận được sự thanh bình của đất Hà thành. Vì thế nên khi nhạc sĩ viết “Hồ sương trắng, cà phê đắng. Ấm đôi tay người xa tháng ngày”, tôi không những cảm nhận cái ấm nóng của ly cà phê ngày xưa mà thật sự cảm nhận được cái ấm áp của tình quê hương, tình đất, tình người trong lòng của những người con xa xứ.
Theo dòng nhạc của Trần Tiến, những xúc cảm rung động đầu đời cũng trở về trong tôi: “Ở nơi đó tôi còn nhớ mối tình xưa. Người thiếu nữ đã gặp tôi ngượng ngùng” và tôi cũng ngượng ngùng. Mà đúng hơn, tôi đã run rẩy trước vẻ đẹp hồn nhiên trong sáng đến thánh thiện của em ở lễ Đền Phủ năm ấy. Tôi không đủ can đảm để nói với em một điều gì đó cho dù em và tôi học chung một lớp. Chúng tôi còn quá trẻ để có thể vun đắp cho những rung động đầu đời... để giờ đây tôi chỉ còn biết “nhớ những mùa thu xa vời vợi, những mối tình những bóng hình nghìn trùng khơi”.Và còn bao nhiêu những nỗi nhớ khác cứ nối nhau dồn dập ùa về mà tôi không thể gọi được tên của chúng. Những nỗi nhớ ấy quá nhạt nhòa, quá xa xôi, còn đó mà như hư ảo vậy! Và hình như chính người nhạc sĩ cũng không thể gọi được tên của những nỗi nhớ khi ông tự hỏi “nhớ thương về đâu thương nhớ ơi?”, chỉ biết rằng khi “tháng năm vội vàng năm tháng trôi” thì Hà Nội trong những nỗi nhớ cũng dần như “những bến bờ... quá xa mờ và quá hững hờ” - hiển hiện đó mà làm sao ta quay về được?
Càng nghe nhạc của Trần Tiến tôi càng thêm nhớ Hà Nội. Giọng ca khắc khoải của Trần Thu Hà càng làm cho nỗi nhớ trong tôi se lại. Bởi vì, Hà Nội đã là máu thịt trong tôi, là một phần của cuộc đời tôi - phần đẹp nhất của cuộc đời tôi. Còn với Trần Tiến, tôi có cảm giác ông dùng âm nhạc để sẻ chia cảm xúc với mọi người, để giãi bày tâm sự của mình hay cũng có thể là để hoài niệm một quá khứ. Nhưng dù cách nào đi nữa cũng xin được cảm ơn ông, cảm ơn người nhạc sĩ tài hoa đã dùng âm nhạc để vẽ nên một Hà Nội rất thực, trầm mặc và tĩnh lặng - một Hà Nội mang đậm nét Trần Tiến.
                                                                                        www.24h.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét